Chín cấp độ học tập của Gagné

30/12/20
AMBER DESIGN TEAM

Sau khi nghe cậu Ber bàn về phong cách học tập của Neil Fleming một cách đầy thuyết phục, Ông giáo lại tìm đến Ber một lần nữa. Bởi phân loại người học theo từng phong cách học là rập khuôn, giới hạn, nên Ber sẽ giới thiệu một mô hình học tập khác có tên Chín cấp độ học tập của Gagné. Mô hình 9 cấp độ học tập của Gagné thực chất khai thác các giai đoạn diễn ra trong quá trình tiếp nhận thông tin bài học nhằm cải thiện chất lượng giảng dạy cũng như học tập. Mô hình này rất hữu ích với những nhà giáo, giúp các nhà giáo soạn thảo bài học một cách hiệu quả.

 

Khái quát 

Không có nhiều nhà giáo dục dám khẳng định rằng họ có thể thay đổi cách tiếp nhận kiến thức của chúng ta, tuy nhiên có lẽ Robert M. Gagné là một ngoại lệ. Gagné đã chia nhỏ quy trình học của mình thành 3 phạm trù riêng biệt bao gồm: 

  • Chuẩn bị
  • Học tập
  • Thực hành, đánh giá và chuyển giao

Từng phạm trù nêu trên lại được chia thành các bước trọng tâm hơn. Nhờ vậy, ông đã tạo nên một bộ khung đào tạo, và bộ khung này vẫn được sử dụng cho tới ngày nay. 

Trước khi tìm hiểu khung đào tạo này là gì, hãy cùng nghía qua thông tin tác giả nhé! 

 

Robert Gagné là ai?

Robert Gagné (1916-2002) là một nhà tâm lý học giáo dục người Mỹ, tiên phong trong lĩnh vực khoa học hướng dẫn và đào tạo. Gagné lần đầu đặt nền móng cho lý thuyết về “good instruction” (cách hướng dẫn tốt) khi ông áp dụng nghiên cứu của mình cùng Không quân Mỹ trong Thế chiến II. 

Gagné có lẽ được biết đến nhiều nhất với cuốn sách “Điều kiện học tập”. Trong cuốn sách này ông đã công bố những phát hiện của mình về các bước thúc đẩy việc học tập hiệu quả. 

Trong những năm sau đó, Gagné áp dụng những khái niệm về lý thuyết giảng dạy của mình vào mô hình học trên máy tính cũng như xem xét việc đào tạo với nhiều định dạng đa phương tiện. Có thể nói, Gagné xứng đáng với những cái tên như “Learn Man” hay “The Educator” (Người đàn ông của giáo dục), như một nhân vật siêu anh hùng vậy.

 

Chín cấp độ học tập của Gagné

“Chín cấp độ học tập” cho biết người học sẽ trải qua 9 giai đoạn khi được dạy một thông tin mới. Lý thuyết này cũng gợi ý cách một nhà giáo dục/đào tạo củng cố từng giai đoạn để tối đa hiệu quả giảng dạy. Mô hình này cung cấp cho nhân viên đào tạo một cấu trúc giúp gắn kết người học và ghi nhớ nội dung bài học. 

Các cấp độ này diễn ra trong suốt quá trình đào tạo trong lớp học, trong một bài học eLearning đơn lẻ hay thậm chí cả một chương trình học. Mấu chốt là xuyên suốt quá trình học, tất cả 9 bước này cần được thực hiện.

Chín cấp độ học tập này được chia thành 3 phạm trù như sau:

Chuẩn bị

  • Thu hút sự chú ý
  • Thông báo mục tiêu đào tạo
  • Kích thích hồi tưởng bài học trước 

Đào tạo và Luyện tập

  • Trình bày nội dung
  • Cung cấp hướng dẫn học tập
  • Yêu cầu thực hành
  • Đưa ra phản hồi 

Đánh giá và chuyển đổi 

  • Đánh giá hiệu quả
  • Cải thiện sự ghi nhớ thông tin và Chuyển giao 

 

Hãy cùng phân tích chi tiết 9 cấp độ này nhé!

 

Thu hút sự chú ý (Tiếp nhận)

Điểm mấu chốt của giai đoạn đầu tiên là thu hút sự chú ý của người học. Bạn có thể bắt đầu bằng cách đặt ra những câu hỏi kích thích, hoặc một yếu tố gây sự ngạc nhiên. Hoá trang thành một con gấu trúc khổng lồ chẳng hạn? Bạn nghĩ sao về ý tưởng này?

Cách thực hiện: 

Các giải pháp đào tạo tốt nhất sử dụng nhiều công cụ gắn kết tuyệt vời sẽ thúc đẩy động lực từ bước đầu cho tới ngày hoàn thành khóa học. Một số phương tiện kích thích sự chú ý có thể kể đến gồm:

 

Thông báo

Người giảng dạy có thể đưa ra thông báo trước khi tổ chức bài học mới để khơi dậy niềm phấn khích.

  • Hình ảnh

Mỗi giờ, mắt của con người có thể xử lý tới 36,000 thông tin hình ảnh. Hình ảnh cũng cải thiện sự ghi nhớ khoảng 29 – 42%. Đăng tải những hình ảnh nổi bật tung gợi ý về những nội dung bài học sắp tới sẽ kích thích sự nhiệt thành của người học.

  • Video

Theo Forrester, cơ quan nghiên cứu thị trường của Mỹ, các nhân viên yêu thích xem video hơn 75% so với việc đọc các văn bản. Vì vậy, thu hút sự chú ý bài học bằng một video cũng không phải một ý kiến tồi.

 

Thông báo mục tiêu đào tạo (Sự mong chờ)

Tiếp sau bước thu hút sự chú ý, hãy cho người học biết những điều họ có thể mong chờ ở khoá đào tạo. Bạn sẽ thực hiện những mục tiêu nào? Họ sẽ biết điều gì mới ở cuối một bài học? Bên cạnh đó, hãy cho họ biết bạn mong chờ điều gì ở họ. Điều này sẽ giúp người học định hình quá trình học tập của họ. 

Cách thực hiện: 

Hãy chia sẻ những mục tiêu học tập sắp tới với học viên. Đây chính là cơ hội để họ đặt ra những câu hỏi, những băn khoăn về chủ đề mới. Bạn cũng có thể chia sẻ những mẹo hay trong những cuộc trò chuyện này.

 

Kích thích hồi tưởng bài học trước (Sự khôi phục)

Để kết nối giữa bài học cũ và bài học mới, bạn có thể nêu một trải nghiệm cũ của học viên. Mối liên kết này chính là một nền tảng để người học tiếp thu nội dung mới.

Cách thực hiện: 

Hãy tận dụng phương pháp khai thác. Để người học chia sẻ những trải nghiệm cũ liên quan đến nội dung mới. Câu hỏi này gợi nhớ những điều họ đã biết, cũng như giúp người học cá nhân hóa và áp dụng bài học từ bước đầu. 

 

Trình bày nội dung

Khi đã thành công thu hút sự chú ý, thông báo mục tiêu bài học, liên hệ chủ điểm, giờ là lúc để trình bày nội dung mới!

Cách thực hiện: 

Hãy thu hút người học bằng cách kết hợp cách định dạng nội dung. Sau đây là một số ý tưởng nội dung: 

  • Giấy 
  • Hình hoạ thông tin 
  • Hình ảnh 
  • Web
  • Thuyết trình
  • Hình hoạt
  • Các bài podcast  
  • Diễn đàn xã hội 

 

Cung cấp hướng dẫn học tập

Sau khi truyền đạt nội dung, bạn phải tìm cách lấp đầy những lỗ hổng kiến thức. Lý thuyết đường cong quên lãng của Ebbinghaus đã chỉ ra rằng chúng ta sẽ quên 90% những gì chúng ta học được trong vòng 30 ngày. Vì vậy, chúng ta cần liên tục nhắc lại kiến thức để giảm thiểu lượng kiến thức rơi rớt. 

Cách thực hiện:

Người học có thể lưu trữ thông tin tốt hơn bằng cách thực hiện các tình huống. Phương pháp học dựa theo tình huống là đặt người học vào một tình huống mà họ cần áp dụng kiến thức để vượt qua các rào cản. Phương pháp này có thể được khởi động bằng một bài trắc nghiệm nhiều lựa chọn với các câu hỏi dựa theo tình huống. Một cách thức khác là đưa ra các nghiên cứu tình huống điển hình của nội dung đó.

Phương pháp học dựa trên câu chuyện (narrative-based learning) cũng phổ biến là cách đảm bảo việc ghi nhớ nội dung. Thực tế, theo một nghiên cứu của nhà tâm lý học Jerome Bruner, nếu bạn lồng câu chuyện vào quá trình học, khả năng ghi nhớ thông tin của bạn sẽ cải thiện tới 20 lần. 

 

Yêu cầu thực hành

Bạn có nhớ những ngày tháng ngồi trên ghế nhà trường, các thầy cô đi vòng quanh lớp học và đặt ra những câu hỏi từ bài học không? Đó chính là cách chúng ta áp dụng bây giờ. Người học cần khẳng định được rằng họ hiểu kiến thức đó. 

Cách thực hiện: 

Bạn có thể gài gắm một số câu hỏi trắc nghiệm trong bài học. Học viên cũng sẽ giữ được sự quan tâm khi tiếp thu kiến thức. Các câu hỏi có thể để dưới dạng câu hỏi nhiều lựa chọn, câu hỏi dựa theo tình huống, câu hỏi đúng-sai hay câu hỏi nối. 

 

Cung cấp phản hồi

Sau khi đã yêu cầu thực hành, bạn cần biết được chất lượng phần thực hành của họ. Nếu họ trả lời sai, họ cần phải biết cách cải thiện. Ngược lại, khi người học thực hành tốt, họ xứng đáng được nhận phần thưởng và sự khích lệ. 

Cách thực hiện: 

Phản hồi tích cực hay tiêu cực phụ thuộc vào câu trả lời. Ví dụ, nếu người học trả lời sai, hãy đưa ra những đóng góp mang tính xây dựng, để định hướng tốt hơn. Nếu họ trả lời đúng, hãy khen ngợi họ.  

 

Đánh giá hiệu quả

Bạn đã thông báo kết quả bài kiểm tra cho học viên, giờ hãy nghiêm túc nói về vấn đề ghi nhớ để đảm bảo việc ghi nhớ. 

Cách thực hiện: 

Các câu hỏi dựa theo tình huống giúp người học lưu trữ thông tin rất tốt. Dựa vào các câu hỏi, hãy lọc ra những lỗ hổng kiến thức và xây dựng những bài học tiếp theo. 

 

Cải thiện sự ghi nhớ thông tin và Chuyển giao 

Chúc mừng bạn! Bạn đã đi đến bước cuối cùng rồi! Gagné đề xuất rằng bước cuối cùng của hành trình học tập là lúc để người học thực hành làm một chuyên gia. Nếu người học có thể khẳng định bản thân, hiểu nội dung bài học và ứng dụng nội dung vào công việc của họ và giảng giải cho người khác, thì họ có đủ tư cách trở thành đối thủ của bạn rồi! 

Cách thực hiện:

Bạn có thể cải thiện sự ghi nhớ bằng các cuộc cạnh tranh. Hãy khuyến khích sự cạnh tranh lành mạnh bằng các bảng thành tích, trao huy hiệu ảo hay điểm kinh nghiệm.

 

Chúng ta không cần thiết phải nhồi nhét quá nhiều vào một bài học. Mỗi ngày một vài thông tin có thể mang lại hiệu quả cao hơn. Kể từ ngày được hình thành, mô hình 9 cấp độ học tập là một chương trình được sử dụng thành công trong lĩnh vực đào tạo trên toàn thế giới. Bằng cách kết hợp với các giải pháp giáo dục hiện đại, bạn có thể tiếp tục phân tích và thực hành, thúc đẩy sự thay đổi hành vi của người học hay cũng chính là các nhân viên tại nơi làm việc. 

Ber đã gợi ý cho ông giáo một kiến thức mới vô cùng bổ ích rồi. Ông giáo sẽ áp dụng mô hình 9 cấp độ học tập này vào bài giảng của mình như thế nào? Hãy cùng chờ đón nhé!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Tin bài Khác