
Nói tới Giáp Hải, sau khi biết được con ba ba mà chàng cứu được chính là con gái vua Thuỷ, hai người ăn ở với nhau như vợ chồng. Được một thời gian, cô gái tâm sự với Hải muốn trở về thăm nhà, nhân thể mời chàng xuống chơi ít lâu cho biết. Hải lấy làm lăn tăn. Một phần bởi chàng đang phải luyện văn bài để đợi khoa thi, một phần vì lo mình là người trần xác thịt, làm sao xuống nước được. Nghe vậy, con gái vua Thuỷ trấn an Hải, bảo rằng chỉ cần chàng trả lại lốt ba ba là có thể theo nàng xuống nước. Hơn nữa, nhà nàng có Trạng nguyên họ Lương, xuống đó Hải có thể tha hồ hỏi nghĩa lý sách vở.
Hải nhận lời ngay rồi hai người cùng về gặp vua Thuỷ. Ở đây, Hải gặp được Trạng nguyên họ Lương đúng lúc ông đang ngồi giảng kinh Dịch. Được nghe giảng, Hải rất mừng vì được gặp người thầy giỏi, Hải ngỏ ý muốn được ôn luyện sử sách cùng Trạng. Tuy nhiên, Trạng Lương không đồng ý ngay mà muốn thử tài trí của Hải. Trạng Lương giao cho Hải một đề bài: Dưới cung nước này có cất giấu rất nhiều kho báu có tên là Các lý thuyết đào tạo, nhà ngươi hãy đi tìm và mang về 10 hòm kho báu sáng giá nhất về đây. Ta sẽ xem xét.
Hải trở về Thuỷ phủ, gói ghém chút đồ phòng thân rồi đi tìm kho báu. Sau nhiều ngày ròng rã kiếm tiềm, Hải mang về đúng 10 kho báu về cho Trạng. Trạng hài lòng lắm, dành nhiều thời gian đàm đạo cùng Hải về những kho báu này.

Các lý thuyết đào tạo là một bộ những nguyên tắc giải thích cách tiếp thu, xử lý và ghi nhớ thông tin tốt nhất theo thời gian. Nắm bắt quá trình này giúp chúng ta thiết kế các trải nghiệm học tập hiệu quả. Hơn nữa, một số lý thuyết học tập cung cấp cho chúng ta các khuôn khổ thực tế mà chúng ta có thể sử dụng làm khuôn mẫu thành công.
Nếu bạn quan tâm tới các lý thuyết học tập, thì bạn thực may mắn. Có hàng trăm lý thuyết để khám phá. Tuy nhiên, quá nhiều sẽ gây ra sự khó khăn khi tìm điểm bắt đầu. Để giải quyết vấn đề đó, chúng tôi đã lọc ra một danh sách 10 lý thuyết học tập mà chúng tôi tin bạn cần biết. Đó là loại lý thuyết mà cơ bản sẽ thay đổi cách chúng ta tư duy và tiếp cận lĩnh vực đào tạo và phát triển.
Mặc dù chúng chỉ là những lý thuyết chứ không phải sự thật khoa học, những lý thuyết này đều dựa trên nghiên cứu nghiêm ngặt và bằng chứng củng cố.

Lý thuyết đường cong quên lãng của Hermann Ebbinghaus, nhà tâm lý học người Đức, chỉ ra rằng thông tin sẽ biến mất theo thời gian nếu chúng ta không đặt nỗ lực ghi nhớ. Giai đoạn nửa cuối thế kỉ 19, Ebbinghaus đã thực hiện một chuỗi các bài kiểm tra với trí nhớ của chính mình. Ông sẽ cố gắng ghi nhớ một số âm tiết vô nghĩa, lặp lại việc kiểm tra sau một vài khoảng thời gian và ghi chép lại kết quả. Khi phác hoạ kết quả lên biểu đồ, ông đã tạo ra “Đường cong quên lãng”.

Đường cong trên biểu đồ cho biết thông tin sẽ rò rỉ khỏi não bộ theo cấp số mũ. Thực tế, chúng ta sẽ quên khoảng 50% lượng thông tin chỉ trong vòng 1 giờ sau khi học. Một tuần sau đó, chúng ta sẽ quên khoảng 90%. Chính vì lẽ đó, mọi hoạt động đào tạo có thể được mô tả là những trận chiến chống lại Đường cong quên lãng.
Tuy nhiên không phải tất cả đều là tin xấu, Ebbinghaus cho biết mỗi lần chúng ta củng cố thông tin, tỉ lệ quên lãng sẽ suy giảm. Hơn nữa, lý thuyết này cũng đã khẳng định tầm quan trọng của kĩ thuật lặp lại ngắt quãng (spaced repetition) trong bối cảnh đào tạo.

Nhà tâm lý học giáo dục Benjamin Bloom soạn thảo phiên bản đầu tiên của thang cấp độ tư duy vào năm 1956. Mục đích của ông là xếp các mục tiêu đào tạo vào những phân loại cụ thể dựa trên mức độ phức tạp. Những danh mục này giúp chúng ta hiểu các cấp độ thành tích đào tạo liên quan tới từng nhiệm vụ học tập. Năm 2001, thang cấp độ này đã được chỉnh sửa và hiện tại có cấu trúc như dưới đây.

Các cấp độ tư duy được sắp xếp giống như hình kim tự tháp. Các học sinh bắt đầu với mức độ học tập cơ bản và nâng cao dần các cấp độ cho đến khi họ nắm vững bài học. Các trải nghiệm học tập cũng chủ động, tích cực dần hơn theo các cấp độ. Bước đầu chỉ dừng lại ở học vẹt, nhưng cuối cùng học sinh sẽ có thể sử dụng thông tin đã học được để sáng tạo những điều mới.
Thang cấp độ tư duy của Bloom được các giáo viên, người hướng dẫn và những chuyên viên đào tạo doanh nghiệp sử dụng theo một số mục đích. Đầu tiên, thang cấp độ cho phép bạn phân chia các mục tiêu hay nhiệm vụ học tập, dựa trên mức độ năng lực của người học. Thêm vào đó, chúng ta có thể sử dụng thang cấp độ để đánh giá mức độ thành tích học tập theo thời gian.

Năm 1943, Abraham Maslow công bố một bài nghiên cứu có tên Lý thuyết động lực của con người (A Theory of Human Motivation). Bài viết này bao gồm cả Lý thuyết “Tháp nhu cầu” của ông. Đây là một mô hình sẽ chuyển đổi lối suy nghĩ của chúng ta về động lực và mục tiêu. Mô hình được trình bày theo định dạng kim tự tháp và có 5 cấp độ.
Bốn cấp độ bên dưới chỉ các nhu cầu sinh lý. Cấp độ thứ năm và cũng là cấp độ cao nhất là nhu cầu “phát triển”. Để nhu cầu phát triển của chúng ta tạo ảnh hưởng lên hành vi, thì 4 cấp độ nhu cầu bên dưới cần được thoả mãn trước tiên.

- Nhu cầu sinh lý: Những nhu cầu như không khí, đồ ăn, nước uống, tình dục, ngủ và nhiều thứ khác.
- Nhu cầu an toàn: Những nhu cầu liên quan tới sức khoẻ, tài sản, môi trường, tình trạng nghề nghiệp, …
- Nhu cầu sự thuộc về: Những nhu cầu về tình yêu, tình bạn, gia đình, …
- Nhu cầu giá trị bản thân: Những nhu cầu về lòng tự trọng, địa vị, thành tích, sự tự tin,…
- Nhu cầu hiện thực hóa bản thân: Những nhu cầu như ý thức đạo đức, sự sáng tạo, sự nhạy bén trong giải quyết vấn đề, …
Tháp nhu cầu này giúp chúng ta hiểu đâu là động lực của người học và cho phép chúng ta đặt ra những thứ tự ưu tiên. Tháp nhu cầu này cũng giúp chúng ta hiểu cách thức các yếu tố sinh lý có thể ảnh hưởng đến năng lực học tập hiệu quả của người học.

Lý thuyết tự chủ chỉ ra những nhân tố tâm lý cần có để “quyết định” một hành động. Hãy nghĩ thuyết tự chủ là công thức tạo ra động lực và thúc đẩy hành động. Lý thuyết này là thành quả bởi hai nhà tâm lý học Richard Ryan và Edward Deci vào những năm 1970. Lý thuyết này rất hữu ích trong bối cảnh đào tạo bởi nó chỉ ra những danh mục cần được thực hiện để giúp học sinh nắm bắt đầy đủ trải nghiệm học tập.
Để được tạo động lực hành động, chúng ta cần đáp ứng 3 nhu cầu tâm lý như sau:
- Nhu cầu năng lực: Chúng ta cần phải cảm thấy tự tin thì hành động mới hiệu quả. Bất kì sự bất an, nỗi sợ hãi không đủ năng lực sẽ ngăn cản động lực của chúng ta.
- Nhu cầu kết nối: Chúng ta phải tin rằng hành động của mình sẽ tạo ra sức nặng trong một cộng đồng lớn hơn. Khi không có cộng đồng, sự gắn kết, khó mà tạo động lực được.
- Nhu cầu tự chủ: Chúng ta cần tin rằng mình có quyền tự do hành động. Nếu chúng ta lựa chọn thỏa hiệp từ bỏ quyền tự do này, dù theo hình thức nào, thì mức độ gắn kết sẽ suy giảm.

Mô hình 70:20:10 rất hữu ích đối với các chuyên gia đào tạo, bởi mô hình này chỉ ra cách chúng ta tiếp nhận thông tin về thế giới xung quanh. Kết quả là, lý thuyết này giúp chúng ta sắp xếp thứ tự ưu tiên cho các ý tưởng của mình. Mô hình này được tạo ra vào những năm 1980 bởi Morgan McCall và Trung tâm Lãnh đạo Sáng tạo (the Centre for Creative Leadership). Nghiên cứu này đã phát hiện rằng:
- Chúng ta chỉ có thể tiếp thu 10% lượng kiến thức thông qua đào tạo chính quy. Đào tạo chính quy là những chương trình học được tạo sẵn, các sự kiện trong lớp học, những cuốn sách giáo khoa, …
- 20% những gì chúng ta học được thông qua các mối quan hệ cùng phát triển. Nói cách khác, chúng ta học hỏi qua sự trao đổi giữa nhiều người trong bối cảnh xã hội.
- Còn lại 70% chúng ta học từ công việc thực tế. Đây là một tỉ lệ vô cùng lớn, đóng vai trò quyết định.
Theo đó, thông tin này giúp chúng ta hiểu nên đặt trọng tâm ở đâu. Nếu quá phụ thuộc vào các biện pháp đào tạo chính quy, công tác giáo dục sẽ bị chậm trễ đáng kể. Thay vào đó, bạn nên tạo ra một môi trường nơi mà các hình thức giáo dục không chính thống, giáo dục xã hội và giáo dục dựa trên trải nghiệm cùng phát triển!

Nhà lý luận giáo dục David Kolb đã công bố mô hình các hình thức học tập của ông vào năm 1984. Đây cũng là lần đầu tiên mô hình học tập dựa trên trải nghiệm được ra mắt. Mô hình này dựa trên một niềm tin của ông “kiến thức là kết quả từ việc kết hợp giữa nắm bắt trải nghiệm và biến đổi nó”. Mô hình này bao gồm 4 giai đoạn khác nhau:
- Bằng chứng cụ thể: Những kinh nghiệm thực tế của cá nhân có thể học hỏi. Cuối cùng thì thông qua kinh nghiệm mà chúng ta mới học hỏi được từ những thành công và thất bại của mình.
- Quan sát và tái đánh giá: Một khi đã có kinh nghiệm, chúng ta cần có thời gian dừng lại và tái đánh giá. Chúng ta đã làm đúng điều gì? Chúng ta có thể cải thiện điều gì?
- Khái quát khái niệm: Sau khi hoàn thành bước phân tích, chúng ta có thể lên kế hoạch cho tương lai. Ở giai đoạn này, bạn cần cân nhắc việc thay đổi phương hướng tiếp cận của mình.
- Chủ động thử nghiệm: Chúng ta đã trải nghiệm, đã phân tích và đã đề ra chiến lược. Giờ là lúc hành động! Nếu không thử, chúng ta sẽ không thể biết cách của mình có tác dụng hay không!
Bởi đây là một mô hình theo chu kỳ, ngay sau khi hoàn thành hoạt động, chúng ta sẽ ngay lập tức quay trở lại giai đoạn 1. Chúng ta sẽ lặp lại quy trình này liên tục, và tiếp tục cải thiện trên quá trình đó. Mô hình này giúp ích cho các chuyên gia đào tạo bằng cách hỗ trợ việc tạo cấu trúc cho các biện pháp đào tạo. Mô hình này là minh chứng cho khái niệm “Có công mài sắt, có ngày nên kim”.

Mô hình Lưỡi câu của tác giả Nir Eyal là một quá trình gồm 4 giai đoạn nhằm tạo những thói quen mới. Quá trình này hỗ trợ cho việc thay đổi hành vi. Khi một hành động trở thành thói quen, chúng ta sẽ bắt đầu thực hiện một cách tự động mà không phải suy nghĩ quá nhiều. Thử tưởng tượng xem, nếu chúng ta biến học tập thành một thói quen, chúng ta sẽ gặt hái được những thành tựu gì?
Mô hình lưỡi câu chỉ ra rằng chúng ta cần trải qua 4 giai đoạn để hình thành một thói quen mới:
- Kích hoạt: Bước đệm để hành động. Có hai hình thức kích hoạt: bên ngoài (ví dụ như email) hay bên trong (ví dụ như một sự khao khát).
- Hành động: Một hành vi như mong đợi. Nói cách khác, là hoạt động được thúc đẩy bởi sự kích hoạt.
- Phần thưởng: Một phần thưởng dành cho việc hoàn thành hoạt động hay thực hiện một hành vi đúng đắn. Việc thay đổi phần thưởng giúp bạn thu hút trí tò mò của người học.
- Đầu tư: Bằng việc thực hiện 3 bước đầu tiên, người học đang đầu tư thời gian và nỗ lực vào chu trình lưỡi câu này.
Bằng cách đầu tư, người học dễ dàng lặp lại chu kì lưỡi câu này hơn. Sau cùng, vậy là người học đã đưa ra một lời cam kết. Khi đã lặp lại chu kỳ vừa đủ vậy là chúng ta đã hình thành thói quen mới!

Tất cả các sáng kiến đào tạo hay đều có một mục tiêu chung là: thay đổi hành vi. Tuy nhiên, thay đổi hành vi không phải là một nhiệm vụ dễ dàng. Bám sát những gì ta đã biết luôn dễ dàng hơn việc tìm hiểu những phương thức tiếp cận mới. Hiểu được điều này, BJ Fogg đã tìm phương pháp giải quyết vấn đề này. Năm 2009, ông cùng đồng nghiệp của mình tại Phòng nghiên cứu Công nghệ Thuyết phục tại trường Đại học Stanford đã công bố một mô hình thực tế. Mô hình này cho biết cách thúc đẩy hành vi ở một con người.
Mô hình này đề xuất rằng sự thay đổi hành vi yêu cầu 3 yếu tố:
- Động lực: Chúng ta cần hiểu được những lợi ích liên quan tới hành động hay hành vi mới. Những lợi ích này chính là động lực thôi thúc chúng ta hành động.
- Khả năng: Chúng ta có khả năng hoàn thành hay không. Thời gian, tiền bạc và nỗ lực thể chất có thể là những yếu tố chi phối.
- Xúc tác: Đây là mảnh ghép cuối cùng của bức tranh tạo bước đệm cho người học bắt tay vào hành động.
Mô hình này được giới thiệu bằng một công thức: B = MAT. Nếu người học có động lực và khả năng thực hiện, thì tất cả những gì họ cần là chất xúc tác phù hợp.

Muốn tạo ra những trải nghiệm học tập cuốn hút, bạn cần phương thức tiếp cận thiết kế giáo dục hiệu quả. Mô hình ADDIE cung cấp một bộ khung giúp các nhà thiết kế giảng dạy tạo cấu trúc phù hợp cho các trải nghiệm giáo dục của họ. Mô hình này được tạo ra lần đầu bởi quân đội Mỹ trong những năm 1970 nhằm mục đích hướng dẫn các chương trình đào tạo của họ. Ngày nay, ADDIE cũng là một phương thức tiếp cận phổ biến trong đào tạo doanh nghiệp.

ADDIE là tên viết tắt của 5 giai đoạn trong mô hình này, bao gồm:
- Phân tích: Ở giai đoạn này, bạn cần phân tích các nhu cầu đào tạo. Mục đích đào tạo của những phương thức này là gì? Người học đang ở mức độ năng lực nào? Bạn cần cân nhắc gì cần ghi nhớ không?
- Thiết kế: Khi hoàn thành giai đoạn phân tích, bạn có thể bắt đầu lên kế hoạch và thiết kế trải nghiệm đào tạo. Trong quá trình này, hãy luôn ghi nhớ các mục tiêu đào tạo bạn đã xác định.
- Phát triển: Khi đã lên kế hoạch, giờ là lúc tập hợp mọi nguồn lực và bắt đầu xây dựng. Quá trình này có thể mất một chút thời gian, nhưng nếu bạn đã hoàn thành quá trình thẩm định của mình ở các bước trước đó, thì mọi việc sẽ nhanh chóng kết hợp lại với nhau.
- Thực thi: Vậy là bạn đã xây dựng xong trải nghiệm học tập của mình, giờ là lúc chia sẻ với người học. Hãy đảm bảo rằng bạn có một kế hoạch thực hiện rõ ràng, và các tài liệu học tập đều có thể dễ dàng tiếp cận.
- Đánh giá: Cuối cùng, hãy thu thập những phản hồi liên quan tới trải nghiệm đào tạo. Những phản hồi này sẽ giúp đánh giá mức độ thành công của bài học. Hãy nhớ để tâm liệu người học có cảm thấy họ đã đạt được mục tiêu học tập hay không.

Robert Gagne là một nhà tâm lý học giáo dục người Mỹ, người đã đi tiên phong trong khoa học hướng dẫn và đào tạo. Năm 1965, ông đã xuất bản cuốn sách Các điều kiện học tập, đề xuất 9 bước người học sẽ trải nghiệm trong quá trình học hỏi.
Mô hình “Chín cấp độ học tập” này giúp các huấn luyện viên và nhà giáo dục thuộc mọi lĩnh vực tạo định hình phù hợp cho các tài liệu đào tạo của họ. Thêm vào đó, mô hình này cung cấp một bộ khung cho việc sáng tạo các hoạt động giáo dục và tư duy về quá trình học tập. Chín cấp độ học tập của Gagne bao gồm:
- Thu hút sự chú ý: Bạn sẽ chẳng thể dạy ai điều gì nếu họ không để tâm.
- Thông báo mục tiêu đào tạo: Giới thiệu những nội dung mà phương pháp đào tạo sẽ thực hiện.
- Kích thích hồi tưởng bài học trước: Yêu cầu người học liên tưởng đến những kinh nghiệm trước đó liên quan đến chủ đề của bài học.
- Trình bày nội dung: Trình bày những thông tin mới liên quan tới mục tiêu đào tạo.
- Cung cấp hướng dẫn học tập: Củng cố các thông tin đã được trình bày với những phương thức tiếp cận thay thế.
- Yêu cầu thực hành: Yêu cầu người học trình bày kiến thức mới của họ.
- Cung cấp phản hồi: Chia sẻ phản hồi cần thiết để giúp người học cải thiện.
- Đánh giá hiệu quả: Kiểm tra kiến thức và hiểu biết của người học.
- Cải thiện sự ghi nhớ thông tin và Chuyển giao: Chỉ cho người học cách họ có thể áp dụng kiến thức của mình vào các ngữ cảnh và tình huống khác nhau.