“Thằng Bờm có cái quạt mo
Phú Ông xin đổi ba bò chín trâu…”
Dạo này, dịch bệnh Cô vít cô veo bùng phát dữ quá, Phú Ông phong thanh nghe được tin các nhà học giả đang nghiên cứu về phương pháp E-learning để không phải đến trường mà vẫn dạy học được. Ông tự tin lắm, cho rằng mình giỏi giang thế này, chỉ cần nhìn qua là có thể hiểu hết cái E-learning kia. Đến lúc đó, ai hỏi gì ông cũng trả lời được, còn đứa nào dám chê ông trọc phú nữa?
Nhưng hỡi ôi, người ta viết gì mà nhiều thuật ngữ khó hiểu quá. Ông ngồi vò đầu cả ngày mà vẫn chưa có mấy chữ vào đầu. Đang lúc chán nản, thấy thằng Bờm đi qua nhà, ông liền đố nó:
– Này Bờm, đố mày biết E-learning là cái gì?
– Dạ là học tập trực tuyến. Cái này con vừa qua làng bên học được! Trùng hợp quá! Ông cũng đang ngâm cứu ạ?
Phú Ông ngẩn người ra rồi nhanh chóng hỏi lại:
– Thế mày học được cái gì nào?
– Nhiều lắm ạ. Con ghi chép cẩn thận ra cái quạt mo này này.
Nói rồi Bờm đưa quạt cho Phú Ông xem:
TỔNG HỢP & GIẢI THÍCH TẤT CẢ CÁC THUẬT NGỮ E-LEARNING
Agile Learning
Agile Learning (học tập linh hoạt) là quá trình thích ứng nhanh chóng với những thay đổi trong ngành làm việc. Điều này đặc biệt đúng với ngành L&D (đào tạo và phát triển) khi công nghệ càng ngày càng phát triển nhanh hơn!
AI và ML
AI (Trí tuệ nhân tạo) là sự mô phỏng các quá trình tư duy của con người bằng máy móc, đặc biệt là các hệ thống hệ máy tính. Xe tự hành của Tesla, hệ thống tự tag khuôn mặt trong ảnh của Facebook, trợ lý ảo Siri của Apple, hệ thống gợi ý phim của Netflix chính là những ứng dụng của AI.
ML (Học máy) là một tính năng của AI, nó có khả năng tự học hỏi dựa trên dữ liệu đưa vào mà không cần phải được lập trình cụ thể.
API
API (Giao diện lập trình ứng dụng) là một giao diện cho phép hai loại phần mềm khác nhau có thể giao tiếp với nhau. Ví dụ, API cho phép người dùng tích hợp một hệ thống LMS (hệ thống quản lý học tập) với hệ thống nhân sự của một công ty. Khi đó, nhà quản lý có thể tải thông tin của người học lên LMS ngay lập tức, thay vì nhập dữ liệu theo cách thủ công.
Blended Learning
Blended learning (học tập kết hợp) là hình thức đào tạo kết hợp phương pháp học tập trực tuyến và học tập truyền thống trên lớp, bởi E-learning không phải lúc nào cũng có thể thay thế hoàn toàn hình thức học tập truyền thống.
Brain Science
Trong L&D, Brain Science (Khoa học Não bộ) là một thuật ngữ bao trùm lĩnh vực tâm lý giáo dục, khoa học thần kinh và nghiên cứu tiên phong về ngành khoa học thần kinh nhận thức.
Cloud-Based Learning
Cloud-Based Learning (Học tập dựa trên đám mây) có nghĩa là toàn bộ phần mềm và các tài nguyên liên quan đến việc học đều được lưu trữ trong những đám mây bí ẩn. Đây là một chuyện tốt vì người học sẽ không phải tải xuống hoặc cài đặt bất kỳ thứ gì để truy cập vào nền tảng học trực tuyến, và có thể truy cập nó bằng mọi thiết bị.
Content Authoring Tool
Content Authoring Tool (Công cụ tạo nội dung) sẽ tạo ra những nội dung đào tạo tuân thủ theo tiêu chuẩn SCORM (tiêu chuẩn này được giải thích phía dưới). Những nội dung này có thể được lưu trữ trên hầu hết các hệ thống LMS.
eCommerce
eCommerce (Thương mại điện tử) là quá trình mua hàng trực tuyến. Trong ngành L&D, cụm từ này chỉ các trang Thương mại điện tử nơi các chuyên gia có thể tạo một trang danh mục và tính phí cho các khóa học và chương trình giảng dạy.
HTML5
HTML5 là phiên bản mới nhất của HTML (Ngôn ngữ đánh dấu siêu văn bản), đây là ngôn ngữ lập trình dùng để xây dựng và cấu trúc lại các thành phần có trong website. Nó cho phép người dùng cung cấp các loại đa phương tiện qua trang web mà không cần tải xuống các plugin bổ sung như Flash Player. HTML5 được tất cả các trình duyệt chính trên máy tính để bàn và thiết bị di động hỗ trợ, vì vậy các hệ thống được thiết kế bằng ngôn ngữ HTML5 sẽ hoạt động bình thường trên mọi thiết bị.
ID
ID là viết tắt của các ‘Nhà thiết kế giảng dạy’. Họ là người thiết kế và phát triển nội dung học tập và trải nghiệm học tập. Họ làm việc với các SME (chuyên gia ở một mảng nghiệp vụ) để thiết kế nội dung, thiết kế phương pháp đánh giá và tạo ra tất cả các tài liệu đa phương tiện và tài liệu bổ sung cần thiết.
Instructor-Led Training
Instructor-Led Training (Đào tạo với giảng viên) gần giống với hình thức đào tạo trên lớp học truyền thống: một người hướng dẫn sẽ dạy một nhóm người học tại một địa điểm thực tế nào đó. Đây có thể là một giai đoạn của quá trình blended learning (học tập kết hợp).
Interactive Classroom
Interactive Classroom (Lớp học tương tác) là phương pháp kết hợp giữa học trực tuyến với học trên lớp. Trong một buổi học, giảng viên có thể gửi bài tập cho học viên và nhận phản hồi tức thì qua các hệ thống LMS để kiểm tra xem họ có đang theo kịp bài giảng hay không.
LCMS
LCMS (Hệ thống quản lý nội dung học tập) tập trung vào việc tạo nội dung đào tạo trực tuyến. Hệ thống này cho phép các nhà phát triển tương tác và chia sẻ nội dung & tài liệu được sử dụng trong quá trình xây dựng bài giảng, nhưng ít chú trọng tới việc quản lý trải nghiệm của người học hơn hệ thống LMS.
LMS
Nhiệm vụ chính của LMS (Hệ thống Quản lý Học tập) là quản lý con người. Hệ thống này có đầy đủ các tính năng và thư viện lưu trữ nội dung học tập. LMS cho phép bạn thiết kế lộ trình học tập mà bạn muốn mọi người thực hiện, quản lý đào tạo trực tuyến và ngoại tuyến, đồng thời xuất báo cáo theo dõi tiến trình học của mọi người.
LRS
LRS (Cửa hàng hồ sơ học tập) hoạt động cùng với Tin Can API/xAPI (giao diện API lưu trữ kinh nghiệm học tập) để theo dõi dữ liệu của người học. LRS cho phép xuất báo cáo và có khả năng theo dõi người học khi họ đang không làm việc.
Microlearning
Microlearning là một quá trình học hỏi trong phạm vi nhỏ, gồm các đơn vị học tập cô đọng ngắn gọn thường mất từ 2-5 phút để hoàn thành. Microlearning đã trở nên nổi bật khi việc học trên thiết bị di động được áp dụng rộng rãi trong ngành L&D.
mLearning
mLearning (học trên thiết bị di động) cho phép truy cập nền tảng học trực tuyến từ các thiết bị di động, chẳng hạn như điện thoại di động hoặc máy tính bảng. Hiểu đơn giản thì mLearning có nghĩa là bạn có thể học khi đang di chuyển!
MOOC
MOOC (Khóa học trực tuyến mở đại trà) là những khóa học trực tuyến cho phép một số lượng lớn người đăng ký và học miễn phí.
Personalisation
Ngày nay, mọi thứ đều có thể được cá nhân hóa, từ kiểu dáng quần áo, giày dép cho đến điện thoại. Người học cũng có thể cá nhân hóa quá trình đào tạo của họ. Personalisation (Cá nhân hóa) trong L&D có thể được sử dụng như một công cụ để thu hút người học. Các hệ thống LMS cho phép các chuyên gia L&D đẩy và kéo nội dung đến một số người học nhất định, lọc báo cáo theo quốc gia, khu vực, hoặc theo những danh mục đã được xác định trước.
SaaS
SaaS (Phần mềm như một dịch vụ) là phần mềm được lưu trữ tập trung và cấp phép cho khách hàng. Khi sử dụng SaaS, bạn có thể dễ dàng quản trị người dùng và nhận được các bản cập nhật tự động.
SCORM
SCORM là tiêu chuẩn hiện tại một chương trình eLearning. Về cơ bản, nếu nội dung đào tạo tuân thủ tiêu chuẩn SCORM thì nó sẽ có thể chạy trên hầu hết các hệ thống LMS.
Skills Gap Analysis
Skills Gap Analysis (Phân tích khoảng cách kỹ năng) thường là một bài kiểm tra ngắn nhằm đánh giá năng lực hiện có của người học. Các lĩnh vực cụ thể cần cải thiện sẽ được đánh dấu và nội dung học tập có liên quan được gửi đến người học để giúp họ đặt mục tiêu học tập.
Social and Collaborative Learning
Social and Collaborative Learning (Học tập xã hội và cộng tác) tuân theo quan điểm: Một cây làm chẳng nên non/Hai cây chụm lại nên hòn núi cao. Bằng phương pháp thảo luận, các nhóm người học có thể nâng cao kiến thức chung về một chủ đề. Phương pháp học tập xã hội này còn gắn kết họ vào chủ đề nhiều hơn, có nghĩa là việc học được tiếp thu và lưu trữ hiệu quả hơn.
Phú Ông thấy Bờm viết cẩn thận mà đầy đủ lắm, liền quay sang hỏi:
– Này! Ông cho mày ba bò chín trâu, đổi cho ông cái quạt mo này đi!
– Thôi con chẳng lấy trâu của ông.
– Thế mày ăn xôi không?
Bờm cười:
– Con đi học cả buổi nghe cũng được nhiều rồi. Ông cho con xôi thì con xin nhận. Đây con xin biếu ông cái quạt này ạ!