Kể từ cái ngày mà nhựa xà nu làm cháy cả 10 đầu ngón tay Tnú, cũng là ngày dân làng Xô-man cầm giáo chống giặc, Tnú liền đi theo cán bộ.
Cán bộ trong rừng lên thay anh Quyết lúc này là anh Ber. Một hôm, anh gọi Tnú đến và bảo:
“Tôi đang soạn một giáo án đào tạo cho các đồng chí trinh sát, được biết đồng chí là chuyên gia trong lĩnh vực này, nên tôi muốn xin ý kiến của đồng chí”
“Thưa đồng chí, chuyên gia trong một lĩnh vực là gì vậy?”. Tnú hỏi lại Ber.
Ber mỉm cười giải thích: “À, đây là khái niệm mà chúng tôi hay dùng để chỉ những người giỏi về một mặt nào đấy”.
Dù có xuất sắc thế nào, không ai trong chúng ta có thể tự tin rằng mình biết mọi thứ. Là một chuyên gia Đào tạo và phát triển, làm cách nào bạn có thể đào tạo người khác về các chủ đề phức tạp nếu ngay cả bản thân bạn cũng không hiểu chúng?
Đây là lý do tại sao những người làm L&D chuyên nghiệp phải tìm chuyên gia về một lĩnh vực trong tổ chức, để họ có thể lấy kiến thức chuyên môn của những chuyên gia này và “đóng gói” nó cho những người học khác.
Vì vậy, các chuyên gia trong một lĩnh vực rất quan trọng với tổ chức.
“Tôi sẽ lấy một vài ví dụ để đồng chí dễ hình dung”. Ber lại tiếp tục giảng cho Tnú về khái niệm SME – Chuyên gia trong một (hoặc nhiều) lĩnh vực.
Ví dụ về các chuyên gia trong một lĩnh vực
Chuyên gia không phải là một ngành nghề, họ sẽ không đột nhiên từ trên trời rơi xuống. Thông thường, một người phải mất nhiều năm để trở thành một chuyên gia thực sự. Để trở thành một chuyên gia, bạn cần có cả kiến thức chính quy và không chính quy. Điều này có thể ví là quý như vàng.
Một chuyên gia trong lĩnh vực của mình – gọi tắt là SME có thể có năng lực trong bất kỳ chủ đề nào. Nó có thể cực kỳ chuyên môn, hoặc rộng hơn tùy thích. Thậm chí chủ đề này không nhất thiết phải liên quan đến chức danh công việc của họ.
“Không nhất thiết phải liên quan đến công việc ư? Đồng chí có thể nói rõ hơn được không?”. Tnú ngắt lời Ber.
“Được thôi”. Ber mỉm cười giải thích:
- Cũng giống như đồng chí Nam trong đơn vị là Trưởng bộ phận Sản xuất. Nhưng Nam cũng có kinh nghiệm quản lý dự án từ đầu đến cuối. Nếu đồng chí cần một số lời khuyên về cách ủy thác nhiệm vụ cho một dự án mới, Hãy hỏi đồng chí Nam!
- Bên cạnh đó, đồng chí Quân là người viết thư trong đơn vị, nhưng cũng đứng đầu mảng truyền thông hồi còn trên thành phố. Nếu đồng chí cần biết những thời điểm tốt nhất để đăng thông báo hoặc phát thư tín? Hãy hỏi đồng chí Quân!
- Chưa hết, đồng chí Linh là trưởng bộ phận hậu cần, nhưng cô ấy cũng nổi tiếng là người sành sỏi nông nghiệp. Đồng chí đang muốn thử trồng một giống cây mới nhưng không biết phải làm gì? Đồng chí biết phải tìm ai rồi đấy!
“Ồ, hóa ra là vậy”. Tnú ngạc nhiên: “Nhưng theo đồng chí phân tích, không phải lúc nào ta cũng nhìn ra trong đơn vị có các chuyên gia trong lĩnh vực nào phải không?”
“Điều này chưa chắc”. Ber mỉm cười: “Có nhiều cách giúp nhìn ra ai là chuyên gia trong lĩnh vực của họ.”
Cách xác định các SME
- Nhìn vào chất lượng và số lượng
Đương nhiên, các SME cần phải có hiểu biết sâu rộng, để được như vậy, họ chắc hẳn đã trải qua đào tạo chính quy. Đồng thời, họ cũng phải có một vài năm kinh nghiệm thực tế trong lĩnh vực này. Như Mô hình 70/20/10 (kiến thức đến từ 70% trải nghiệm, 20% học tập xã hội, 10% đào tạo chính quy) cho chúng ta biết, 90% những gì chúng ta học được đến từ những lời dạy không chính thống.
- Kiểm tra kỹ năng mềm của họ
Một trong những khía cạnh quan trọng của một chuyên gia giỏi về một lĩnh vực là họ biết kết hợp kiến thức với một loạt kỹ năng mềm lành mạnh. Nói một cách đơn giản là họ cần làm việc và giao tiếp tốt với người khác.
Một nghiên cứu năm 2016 của Wonderlic – Một công ty hàng đầu trong lĩnh vực tuyển dụng và đánh giá nhân sự tại Mỹ – cho thấy 93% nhân viên nói rằng kỹ năng mềm là một yếu tố “thiết yếu” hoặc “rất quan trọng” trong các yếu tố tuyển dụng. Dưới đây là danh sách các kỹ năng mềm cần chú ý ở các chuyên gia của bạn:
- Kỹ năng giao tiếp hiệu quả
- Làm việc theo nhóm
- Khả năng thích ứng
- Kỹ năng giải quyết xung đột
- Khả năng lãnh đạo
- Kỹ năng giải quyết vấn đề
Xác minh thông tin trong hồ sơ của họ
Một chuyên gia trong lĩnh vực của mình cần có trải nghiệm chính thức và không chính thức. Có nghĩa ngoài kỹ năng chuyên môn, họ cần có kỹ năng xã hội tốt. Một khi đã xác định chuyên gia của mình có các kỹ năng mềm phù hợp, bạn sẽ chỉ cần đảm bảo thêm rằng họ không phải là những kẻ nói dối! Hiện nay, có rất nhiều bài kiểm tra đơn giản giúp bạn dễ dàng “nhặt sạn” các ứng cử viên gian dối trong hồ sơ hay bằng cấp của họ. Kiểm tra có thể dưới dạng câu hỏi trắc nghiệm, khảo sát và đánh giá chung.
“Ra là vậy”. Tnú chợt hiểu ra: “Đây cũng là cách để đồng chí phát hiện ra tôi là chuyên gia trong lĩnh vực trinh sát?”
“Đúng vậy”. Ber trả lời: “Chính vì biết đồng chí là chuyên gia trong một lĩnh vực, tôi mới nhờ đồng chí giúp”.
Làm sao để tận dụng chuyên gia trong một lĩnh vực hiệu quả?
Một chuyên gia trong lĩnh vực của mình là người thành thạo về một chủ đề cụ thể. Nếu bạn cần biết về chủ đề đó, chuyên gia này là người bạn cần nói chuyện cùng.
Một tổ chức sẽ được tạo thành từ các chuyên gia thuộc nhiều lĩnh vực, chủ đề khác nhau do họ lựa chọn. Trong đầu họ có thể có vô số kiến thức về các lĩnh vực chỉ chờ được khám phá bởi các quản lý hay chuyên gia đào tạo và phát triển.
Trong bất kỳ dự án eLearning nào, nhiệm vụ của nhà thiết kế bài giảng là tạo ra thứ gì đó giúp truyền tải mục tiêu học tập một cách hiệu quả. Các nhà thiết kế bài giảng của bạn cần thu thập thông tin họ cần để có thể xây dựng một khóa đào tạo về vấn đề đó. Đây là lý do tại sao họ nên tham khảo ý kiến của những SME trong tổ chức.
Đó là một mối quan hệ cộng sinh; SME sẽ không phải vật lộn chia sẻ chuyên môn của họ cho toàn bộ tổ chức nếu người thiết kế bài giảng có thể tạo ra thứ gì có giá trị thực sự cho người học.
Cũng như câu chuyện của Tnú và đồng chí Ber vậy, nếu Ber hoàn thiện giáo án đào tạo trinh sát viên nhờ sự giúp đỡ của Tnú, Tnú sẽ không phải đi chia sẻ chuyên môn của mình cho từng người trong đội trinh sát nữa. Đó cũng là lý do một SME sẽ mang lại rất nhiều lợi ích cho tổ chức khi được tận dụng hiệu quả.