Chuyên mục
Khác

Bao nhiêu thời gian bị lãng phí ở nơi làm việc?

Các doanh nghiệp liệu có đang thu về những gì xứng đáng với số tiền họ bỏ ra cho nhân viên? Theo một nghiên cứu của Gallup đã chỉ ra rằng tỉ lệ gắn kết của nhân viên tại các doanh nghiệp ở Mỹ chỉ đạt 30% và chi phí mà các doanh nghiệp này phải bỏ ra cho 70% nhân viên không gắn kết còn lại lên đến 550 tỉ USD mỗi năm. Điều đó có nghĩa là các doanh nghiệp có thể đang phải trả lương cho một số nhân viên để họ đến công ty tán gẫu với các nhân viên khác, dùng điện thoại công ty cho các mục đích cá nhân hoặc thậm chí là dành thời gian để mua hàng trên mạng. Nếu bạn là người đánh giá cao năng suất và hiệu suất công việc, thì kết quả một cuộc khảo sát gần đây của Salary.com về vấn đề thời gian bị lãng phí như thế nào ở nơi làm việc sẽ khiến bạn bất ngờ.

Bao nhiêu thời gian bị lãng phí ở nơi làm việc?

Cứ 7 trên 10 người được phỏng vấn trả lời rằng họ đã lãng phí thời gian của công ty MỖI NGÀY và chỉ 30% số người được khảo sát là thực sự đến công ty để làm việc, để cống hiến. Kết quả này hoàn toàn phù hợp với nghiên cứu của Gallup về việc chỉ 30% nhân viên có tỉ lệ gắn kết cao với doanh nghiệp. 34% người tham gia khảo sát trả lời rằng trung bình một ngày, họ mất khoảng 30 phút chỉ để nhìn đồng hồ và khoảng 24% tốn 30 đến 60 phút mỗi ngày cũng chỉ để coi giờ. Thêm vào đó, 21% những người tham gia khảo sát chia sẻ rằng họ thường cảm thấy uể oải khi đi làm 1 đến 2 ngày 1 tuần. Chỉ 10% số người được khảo sát trả lời họ không bao giờ lãng phí thời gian của công ty, điều này tương đương với cứ 10 nhân viên được thuê, thì chỉ có 1 người là thực sự đem lại cho công ty xứng đáng với những gì họ nhận được từ công ty.

Nhận diện nhóm nhân viên thường lãng phí thời gian ở công ty

Theo cuộc khảo sát thì nhân viên nam có xu hướng chán nản công việc hơn nhân viên nữ. Kết quả khảo sát chỉ ra rằng có đến 73% nhân viên nam so với 66% nhân viên nữ thường hay bỏ bê, lơ là công việc. Chênh lệch này không hẳn là quá lớn nhưng cũng là một con số đáng lưu ý. Khi so sánh về độ tuổi, cuộc khảo sát cũng đưa ra một số kết quả bất ngờ: 82% nhân viên trong độ tuổi từ 26-32 và 76% nhân viên trong độ tuồi từ 33-39 trả lời họ vẫn đang lãng phí thời gian của công ty hằng ngày. Một điều không đáng tự hào gì cho những nhân viên trẻ trong độ tuổi từ 18-25 là theo khảo sát, họ tốn nhiều thời gian vào công việc cá nhân hơn so với 2 nhóm tuổi còn lại. Tiếp theo là kết quả khi so sánh giữa nhóm nhân viên có trình độ học vấn trung bình, thấp (tốt nghiệp phổ thông) và nhóm nhân viên có trình độ học vấn cao (tốt nghiệp cao học trở lên). Giữa 2 nhóm này, theo bạn nhóm nào lãng phí thời gian ở nơi làm việc nhiều hơn? Nếu bạn đoán đó là nhóm có trình độ học vấn trung bình, thấp thì bạn đã sai. Chỉ 59% trong số họ là lãng phí thời gian lao động so với 76% nhân viên trong nhóm có trình độ học vấn cao. Một số ý kiến cho rằng công việc của nhóm nhân viên có trình độ học vấn cao vất vả về mặt trí óc và tinh thần hơn nên họ có quyền được giải trí, dành thời gian cho những việc cá nhân, nhưng trên thực tế, nhóm nhân viên này lại được trả lương cao hơn so với hiệu suất công việc thực tế của họ.

nhân viên lãng phí thời gian khi làm việc

Nếu họ không làm việc, thì họ làm gì?

  • Đọc tin tức – 37%
  • Nói chuyện (tám) cùng đồng nghiệp – 43%
  • Lướt Web – 28%
  • Sử dụng mạng xã hội (Facebook,…) – 4%
  • Nhắn tin – 4%
  • Gọi điện thoại cá nhân – 4%
  • Mua hàng trên mạng – 2%

Hầu hết các hoạt động lãng phí thời gian đều diễn ra trên mạng hoặc các thiết bị công nghệ (điện thoại, máy tính bảng,…), tuy nhiên cũng có khoảng 20% người tham gia khảo sát trả lời họ không bao giờ ghé thăm các trang web không liên quan đến công việc trong giờ làm.

Tại sao và khi nào nhân viên cảm thấy lơ là công việc?

Có rất nhiều lý do khiến nhân viên làm những việc cá nhân khác để giải trí hơn là tập trung làm việc. 11% các nhân viên khi được khảo sát trả lời họ thiếu tập trung làm việc vì họ cảm thấy họ không được khích lệ trong công việc. 10% trả lời lý do là vì họ không hài lòng với công việc – trong đó có 3% là vì lương thấp. 9% khác lại trả lời đơn giản là vì họ tự nhiên cảm thấy chán nản công việc.

Gần phân nửa những nhân viên thường lãng phí thời gian ở công ty chọn ngày thứ Sáu là ngày họ ít tập trung cho công việc nhất. Từ 3 giờ chiều đến 5 giờ chiều cũng là khoảng thời gian nhân viên dễ sao lãng công việc nhất. Đối với các doanh nghiệp có giờ hoạt động khá sớm thì có khoảng 15% nhân viên trả lời họ cảm thấy ít động lực làm việc nhất trong khoảng từ 7 đến 9 giờ sáng. Nhìn chung, càng về cuối ngày, các hoạt động giải trí cá nhân của nhân viên càng tăng, các hoạt động tập trung cho công việc càng giảm.

Những tác động dễ khiến nhân viên sao nhãng công việc

Theo nghiên cứu, phải mất đến 23 phút để một người nhân viên có thể quay lại guồng công việc sau khi bị tác động bên ngoài gây sao nhãng công việc. Một số nhân viên đôi khi họ cũng không chủ động lơ là hay lãng phí thời gian trong công việc mà là do các yếu tố khác trong môi trường làm việc tác động đến họ, ngay cả những nhân viên chăm chỉ nhất, năng suất tốt nhất cũng dễ bị ảnh hưởng bởi các yếu tố này.

  • Do có quá nhiều cuộc họp – 19%
  • Do các thành viên trong nhóm làm việc kém hiệu quả – 17%
  • Do đồng nghiệp – 17%
  • Do công việc quá bận rộn – 13%
  • Do sự đấu đá giữa các nhân viên – 13%
  • Do người quản lý trực tiếp – 8%
  • Các lý do khác – 11%

Các doanh nghiệp có thể bất ngờ khi biết rằng những cuộc họp hành thường xuyên có thể gây ra kết quả xấu hơn là kết quả tốt như họ mong đợi. Bên cạnh đó, việc đấu đá để có thể trở nên nổi trội hơn so với các đồng nghiệp khác hay phấn đấu để đạt được ví trí cao hơn trong công việc cũng nằm trong danh sách nhưng yếu tố khiến nhân viên bị sao nhãng, lơ là công việc. Bên cạnh đó, có lẽ bạn, nếu là một người quản lý sẽ muốn xem xét lại việc quản lý nhân viên của mình vì có đến 8% nhân viên được hỏi họ cảm thấy sếp của họ là lý do lớn nhất khiến họ muốn bỏ bê, lơ là trong công việc.

giải quyết vấn đề

Giải pháp

30% các nhân viên tham gia khảo sát trả lời rằng máy tính họ sử dụng trong công ty bị ngăn chặn việc sử dụng các trang web cá nhân trong giờ làm việc, tuy nhiên chính sách này không phải luôn hiệu quả như các doanh nghiệp mong đợi. 52% nhân viên trả lời, nếu máy tính trong công ty bị chặn truy cập các trang web giải trí, họ sẽ sử dụng máy tính cá nhân, điện thoại di động hoặc máy tính bảng thay thế. Tuy nhiên cũng có đến 78% người tham gia khảo sát trả lời rằng đối với họ chính sách giới hạn truy cập Internet không phải là yếu tố ảnh hưởng đến quyết định lựa chọn làm việc cho một tổ chức nào đó hay không. Khoảng 15% khác lại trả lời họ chắc chắn sẽ từ chối một công việc hoặc tìm kiếm một công việc mới nếu công ty áp dụng chính sách này.

(Xem thêm: 10 xu hướng quản trị nhân sự mới trong thời kỳ 4.0)

Mặc dù hầu hết những kết quả từ cuộc khảo sát này đều chỉ ra sự liên quan giữa việc truy cập Internet với việc lãng phí thời gian ở công ty, nhưng hãy lưu ý một điều là 60% những người được khảo sát tin rằng việc dành thời gian cho những hoạt động không liên quan đến công việc trong giờ làm thật sự giúp họ cải thiện năng suất làm việc. Việc truy cập Internet không phải là vấn đề chính ở đây, mà nó chỉ là “triệu chứng” của những vấn đề thật sự khác, cho nên các doanh nghiệp không cần quá đặt nặng việc ngăn chặn sử dụng Internet trong giờ làm việc. Thay vào đó là cần tìm ra nguyên nhân sâu xa gây ra việc lãng phí thời gian công ty, chán nản, lơ là công việc của nhân viên. Dưới đây là một số gợi ý giúp ngăn chặn, giảm thiểu việc mất năng suất làm việc ở nhân viên:

  • Giao cho họ những công việc có ý nghĩa và thú vị và để họ được chịu trách nhiệm với những công việc đó
  • Tối ưu, cải thiện quy trình làm việc (như việc họp hành) để giảm các yếu tố khiến nhân viên sao nhãng công việc
  • Khích lệ, khen ngợi nhân viên
  • Tuyển dụng đúng người, đúng việc, những người có thể tạo ra môi trường làm việc năng suất cao.
  • Duy trì cân bằng giữa việc thư giãn, giải trí và công việc, quá nhiều cho một thứ là điều hoàn toàn không nên

Xem thêm: Bài toán nào giúp tăng hiệu suất làm việc của nhân viên ngành dịch vụ.

Nguồn: Profilesinternational.com