Chuyên mục
Khác

Recap Online Workshop #2: HIỂU ĐÚNG VỀ L&D TRONG KỶ NGUYÊN SỐ | Đào tạo Online mùa dịch

Tiếp nối thành công của workshop đầu tiên với chủ đề “Ứng dụng Game trong đào tạo”, BTC tiếp tục mang tới buổi Workshop #2 trong series Đào tạo online mùa dịch với nội dung đang nhận được nhiều quan tâm: “Hiểu đúng về L&D trong Kỷ Nguyên Số”. 

Vượt xa ngoài mong đợi, buổi chia sẻ được diễn ra lúc 20:00 ngày 17/04/2020, qua hình thức online trên nền tảng Google Hangouts Meet, đã nhận được sự góp mặt của hơn 220 anh chị trong ngành L&D, HR đến từ hàng trăm doanh nghiệp.

Buổi workshop được dẫn dắt bởi 2 diễn giả: Anh Ngô Công Trường – Người sáng lập và Giám đốc chuyên môn tại John&Partners và chị Nguyễn Thị Nga – Giám đốc khối vận hành ngân hàng PVcomBank. Hai anh chị đều là những người  có thâm niên trong quản lý, giảng dạy cùng vốn kinh nghiệm thực tiễn phong phú. Thông qua buổi chia sẻ này, người tham gia có thể nắm được thực trạng ngành L&D hiện nay, cơ hội và thách thức đổi mới trong thời đại 4.0.

Buổi chia sẻ gồm 3 phần chính: 

  • Phần 1: Thực trạng ngành L&D hiện nay
  • Phần 2: Nhu cầu đổi mới và thách thức đối với hoạt động đào tạo
  • Phần 3: Giải đáp các câu hỏi của người tham gia

1. Thực trạng ngành L&D

Mở đầu chương trình, anh Ngô Công Trường đã giúp người nghe có nhận định chính xác hơn các khái niệm “Training”, “Learning” và “Development” thông qua một bảng so sánh chi tiết.

Sau đó, để phản ánh sự khác biệt rõ rệt của ngành L&D tại TP. Hồ Chí Minh và TP. Hà Nội, anh Trường đã lấy ví dụ thực tế khi tìm kiếm từ khóa “Learning & Development” trên trang việc làm. Tại TP. Hồ Chí Minh, chúng ta có thể dễ dàng nhận được rất nhiều kết quả trả về, còn tại TP. Hà Nội, dường như ngành L&D chưa thực sự phổ biến. 

Vai trò của ngành L&D trong doanh nghiệp hiện nay là một vấn đề được quan tâm rất nhiều. Anh Trường nhấn mạnh, nuôi dưỡng nhân tài có thể xem là một trong những vai trò chủ chốt của ngành L&D. Theo nhân tài mô hình 3C của Dave Ulrich–HR Guru, nhân tài là người bao gồm cả 3 yếu tố: Năng lực, Cam kết  và Cống hiến (Competence x Commitment x Contribution = Talent).

Bên cạnh đó, anh Trường còn làm rõ về “văn hóa học tập” của doanh nghiệp. Văn hóa học tập đóng vai trò rất quan trọng, nó là một phần của văn hóa doanh nghiệp. Một tổ chức được gọi là có “văn hóa học tập” cần có lộ trình đào tạo và phát triển, có hệ thống đánh giá phản hồi và quan trọng nhất, toàn bộ nhân viên tự giác ý thức, đam mê học tập.

Để kết thúc phần chia sẻ của mình, anh Ngô Công Trường đã giới thiệu tới người nghe quy trình đào tạo và phát triển của doanh nghiệp  đang áp dụng tại các công ty đa quốc gia và các công ty lớn tại Việt Nam.

đào tạo trực tuyến

2. Nhu cầu đổi mới và thách thức đối với hoạt động đào tạo

Tiếp sau phần chia sẻ của anh Ngô Công Trường, chị Nguyễn Thị Nga khẳng định rằng thời đại 4.0 tạo ra cơ hội khiến cho ngành Giáo dục nói chung và ngành L&D trong doanh nghiệp nói riêng cần phải thay đổi trên nhiều phương diện như: mục tiêu đào tạo, đối tượng và phạm vi đào tạo, phân luồng đào tạo, phương thức dạy và học, ứng dụng khoa học công nghệ vào bài giảng và hệ thống giám sát quản lý, báo cáo.

Bên cạnh cơ hội, thách thức đặt ra đối với ngành L&D cũng không hề nhỏ. Để giúp người nghe hiểu rõ hơn, chị Nga lấy dẫn chứng về hoạt động đào tạo ngành Ngân hàng trên các khía cạnh: nhân sự, nội dung đào tạo, phương thức đào tạo, chi phí đầu tư, an ninh mạng và dịch chuyển nhân sự.

Sau đó, chị đưa ra một số giải pháp giúp các đơn vị tổ chức và quản lý Đào tạo có thể vượt qua khó khăn này. Trước hết, cần khảo sát và xác định đối tượng, xây dựng kế hoạch đào tạo  phù hợp với mục tiêu của tổ chức. Tiếp theo, tìm hiểu thị trường, đánh giá đối tác, xem xét phương pháp đào tạo phù hợp với từng nội dung. Rồi đơn vị hoạch định tài chính và lên các chương trình đào tạo phù hợp. Chuẩn bị nguồn lực cũng như phương tiện – công cụ và dụng cụ hỗ  trợ đào tạo. Cuối cùng là, quản lý giám sát và báo cáo các kết quả đào tạo, sau đào tạo.

3. Hỏi đáp giữa diễn giả và người tham gia về L&D và đào tạo online mùa dịch

Trong phần cuối của buổi workshop, rất nhiều người đã gửi câu hỏi cho 2 diễn giả. BTC đã chọn lọc ra một số câu hỏi tiêu biểu để người tham dự và diễn giả cùng nhau thảo luận. 

Một câu hỏi từ nickname Chau Minh: “Bối cảnh mới, nhất là thành tựu CMCN lần thứ 4 sẽ làm mô hình 70/20/10 thay đổi lớn và căn bản so với thời điểm sáng kiến ra mô hình này, anh chị có chia sẻ thêm gì về việc này không?”. Với câu hỏi này, anh Trường chia sẻ: “CMCN 4.0 không quá phức tạp, nó khiến mọi người phải chuyển đổi số, thực ra là số hoá đào tạo, Phương pháp nào cũng sẽ có những ưu và nhược điểm riêng nên cần kết hợp nhiều phương pháp để tối ưu nhất. Chẳng hạn như phương pháp Blended learning là kết hợp giữa học Online và Offline hay ứng dụng công nghệ mô phỏng, gắn hoạt động tương tác vào lớp học”.

Chia sẻ về câu hỏi được rất nhiều thính giả thắc mắc: “Làm sao để đánh giá kết quả đào tạo trong công việc?”, chị Nga giải thích: “Chúng ta có thể đánh giá kết quả đào tạo thông qua 2 khía cạnh: Đánh giá kiến thức thay đổi như thế nào thông qua các bài test và đánh giá thông qua thực tế công việc. Đánh giá là một quá trình liên tục. Dựa trên KPI thực tế công việc rồi đánh giá lại kết quả đào tạo. Nếu kết quả không được tốt, mình cần phải xem xét, hoặc là nhân viên đó cần được luân chuyển, hoặc là đánh giá lại chương trình đào tạo của mình”. 

Đó là 2 trong số hàng chục câu hỏi được tranh luận trong buổi workshop. 

Một lần nữa, BTC tổ chức xin trân trọng cảm ơn 2 diễn giả: Anh Ngô Công Trường và chị Nguyễn Thị Nga cùng toàn thể các anh chị đã dành thời gian cùng tham gia buổi chia sẻ hữu ích này. 

BTC rất mong nhận được sự quan tâm của anh chị cho những chương trình tiếp theo trong chuỗi sự kiện “Đào tạo Online mùa dịch”.