Do tình hình dịch Covid đang diễn biến kéo dài & phức tạp, các buổi offline của Group Learning & Development trong năm 2020 vì thế đã không thể diễn ra như dự định. Tuy vậy, với tinh thần kết nối & chia sẻ, Group L&D đã phối hợp cùng Amber Online Education chuyển hướng tổ chức offline thành các buổi online với các chủ đề về “Đào tạo Online mùa Covid”
Nằm trong chuỗi sự kiện trên, buổi workshop “Ứng dụng Game trong Đào tạo” đã được diễn ra vào lúc 20:00 ngày 02/04/2020, được tổ chức online qua Google Hangouts Meet. Mặc dù được tổ chức lần đầu tiên nhưng buổi workshop đã thu hút được gần 300 anh chị trong ngành L&D đăng ký tham gia, với gần 200 người tham dự.
Chương trình được dẫn dắt bởi chị Hanh Tran Marie – Admin Group L&D, cùng với 2 diễn giả: Anh Trần Xuân Ngọc và chị Đinh Thị Thanh Vân. Hai anh chị đều là những người có kinh nghiệm lâu năm trong ngành Đào tạo và đã thành công trong việc áp dụng Game vào trong Đào tạo. Buổi chia sẻ đã giúp người xem thấy được hiệu quả cũng như các phương pháp, mẹo nhỏ để áp dụng game vào đào tạo nhân sự trong doanh nghiệp thông qua 3 phần chính:
- Phần 1: Chia sẻ kiến thức từ 2 diễn giả
- Phần 2: Tổ chức trò chơi tương tác
- Phần 3: Giải đáp của speakers về các câu hỏi của người xem
Chia sẻ về ứng dụng game trong đào tạo
Mở đầu là anh Trần Xuân Ngọc – Founder của Mastery of Game in Education chia sẻ về những lợi ích và nguyên lý sử dụng Game trong Đào tạo.
Theo mô hình của Bruner & Edgar Dale, các hoạt động trải nghiệm thông qua các giác quan được chia thành 3 dạng chính: Học qua làm (Learning by doing), Học qua quan sát (Learning through Observations) và Học qua trừu tượng (Learning through Abstractions). Các dạng trải nghiệm này được sắp xếp theo tính trừu tượng giảm dần và tính hoạt động tăng dần dần từ đỉnh tháp, và các nhà chuyên môn gợi ý, chúng ta nên thiết lập trải nghiệm cho phép người tham gia hoạt động nhiều hơn, tức là bắt đầu từ đáy của tháp lên.
Một ví dụ anh Xuân Ngọc đưa ra: Lớp học nấu mì. Với một nội dung nấu mì, nhưng với mỗi đối tượng học khác nhau, các hoạt động và nhiệm vụ đi kèm cũng khác nhau.
Tiếp theo, chị Đinh Thị Thanh Vân đã chia sẻ kinh nghiệm của chính bản thân mình khi áp dụng Game vào trong quá trình giảng dạy, cả Online và Offline và một số gợi ý cách đưa game vào đào tạo sao cho hiệu quả.
Thông qua câu hỏi “Vì sao Facebook hấp dẫn người dùng?”, chị Đinh Thị Thanh Vân đã chỉ ra rằng các độ tuổi nào cũng hứng thú hơn khi các hoạt động có “tính game”. 73% người trong độ tuổi 33-45 cảm thấy các yếu tố Game thúc đẩy các hoạt động hàng ngày hơn.
Ngày nay, không chỉ Đào tạo Offline mà cả Online đều có thể đưa Game vào trong bài giảng. Tuy nhiên, cần phải khéo léo nếu không thì game sẽ không xuyên suốt được nội dung bài học, và diễn giả cũng chia sẻ một số giải pháp để tránh được tình trạng này.
Trải nghiệm trò chơi
Và sau đó, tại buổi Online Workshop, người nghe còn được đích thân trải nghiệm “Học mà chơi”. Thông qua một trò chơi ngắn, chỉ gần 5 phút, người tham gia đã nắm bắt được nội dung người nói muốn truyền tải. Điều này cho thấy, nếu chúng ta sử dụng các yếu tố Game một cách hiệu quả, bài giảng sẽ trở nên hấp dẫn hơn và học viên ghi nhớ lâu hơn.
Hỏi đáp giữa guest speakers và người xem
Trong phần cuối của buổi workshop, rất nhiều người xem đã đặt câu hỏi về chủ đề và được BTC chọn lọc ra để speakers và người nghe cùng nhau chia sẻ và thảo luận. Chia sẻ về câu hỏi “Làm thế nào để dẫn dắt game trong đào tạo?”, chị Thanh Vân gợi ý: “Mỗi người nên chuẩn bị cho mình một cuốn sổ tay. Tại đó, mọi quy tắc luật chơi, các bước hay thao tác, một số tình huống dự đoán phát sinh đều cần được chuẩn bị kỹ lưỡng và ghi lại. Bên cạnh đó, trước mỗi buổi chúng ta cần thử nghiệm nhiều lần để điều chỉnh từ ngữ, dự đoán các vấn đề có thể xảy ra. Điều cuối cùng cần lưu ý đó là nội dung trò chơi cần gắn với mục tiêu bài học thay vì chỉ để vui. Như vậy, người học mới có thể cảm nhận được giá trị của nội dung game chúng ta mang đến.
Một câu hỏi từ nickname Kim Dang cũng là thắc mắc của nhiều thính giả: “Đa số các học viên đều thích game. Tuy nhiên, một số trường hợp học viên là các lãnh đạo cao cấp, lớn tuổi. Cách áp dụng Game khi đi dạy đối tượng này là gì?”. Thấu hiểu tình cảnh này, chị Thanh Vân chia sẻ: “Mọi người ngại đi dạy các đối tượng thuộc ban lãnh đạo cao cấp, lớn tuổi nhiều kinh nghiệm vì họ vừa giỏi, vừa uyên thâm. Tuy nhiên, khi dạy cho đối tượng này, chúng ta có thể biến hóa trò chơi của mình làm sao để họ bộc lộ kinh nghiệm hoặc chia sẻ kinh nghiệm của chính họ. Một gợi ý dành cho mọi người, khi tổ chức chương trình, mình lồng ghép các trò chơi phân vai để các học viên này xử lý tình huống, tạo cơ hội chia sẻ kinh nghiệm của chính các vị lãnh đạo này với mọi người”.
Một lần nữa, BTC tổ chức xin trân trọng cảm ơn 2 Guest Speakers: Anh Trần Xuân Ngọc và chị Đinh Thị Thanh Xuân cùng toàn thể các anh chị đã bớt chút thời gian cùng tham gia buổi chia sẻ thú vị này.
Cùng chờ đón những chương trình tiếp theo trong chuối sự kiện “Đào tạo mùa Covid” tới đây nhé!