Chúng ta đang đứng ở một thời điểm quan trọng trong quá trình chuyển giao tới thế hệ Z. Được đánh giá là thế hệ ẩn chứa nhiều đột phá do chịu ảnh hưởng bởi các cuộc cách mạng công nghệ, vậy làm thế nào để các nhà quản lý và tuyển dụng có thể nắm bắt tâm lý của thế hệ mới này?
Một nghiên cứu của Epinion mới đây đã chỉ ra rằng, thế hệ Z Việt Nam (sinh từ năm 1995 đến năm 2014) là những người được sinh ra trong một thế giới số, với khả năng tiếp cận thông tin đầy đủ và nhanh chóng nhất. Khác với các thế hệ trước, phần lớn cuộc sống của họ từ việc trò chuyện với gia đình, bạn bè, mua sắm, học hành đều được kết nối từ chiếc điện thoại thông minh. Việc được tạo điều kiện học hỏi nguồn kiến thức vô tận từ internet đã trau dồi cho những người trẻ khả năng tự nhận thức về bản thân, độc lập, tự hoạch định mục tiêu, thích đổi mới bản thân.
Xét về khía cạnh tuyển dụng, thế hệ Z được đánh giá là rất đa nhiệm với khả năng tập trung cao và chú tâm vào những việc xứng đáng hơn. Họ biết cách khai thác ưu điểm của công nghệ, tự phát triển tài năng, thích tìm hiểu, khám phá. Vậy làm sao để quản lý nhân sự thế hệ Z hiệu quả? Trước khi nhắm mục tiêu đến những nhân lực lao động này, các nhà tuyển dụng cần phải nhớ:
Đừng ép họ vào khuôn khổ
Là những người thích phá vỡ quy tắc, bạn gần như không thể ép họ làm việc theo một khuôn mẫu cứng nhắc nào đó. Việc tuyển dụng những nhân lực thuộc thế hệ này, đi kèm những cam kết làm việc nhất định là một ý tưởng cấp tiến trong thời buổi hiện đại. Chính họ sẽ là người đưa ra những ý tưởng táo bạo, mới mẻ hay trở thành đòn bẩy để tạo ra sự đột phá dựa trên những tiến bộ kỹ thuật mà họ đã quen thuộc trong cuộc sống của mình.
Tại môi trường công sở, thay vì đưa ra những luật lệ và nguyên tắc bắt buộc các nhân sự nghe theo, quản lý doanh nghiệp hãy có cách truyền thông nội bộ phù hợp, kích thích niềm vui và sự hào hứng của nhân viên. Từ đó, nhân viên sẽ tự giác thực hiện các quy tắc của công ty, đến từ sự ghi nhớ tự nguyện. Nhờ vậy, việc quản lý thế hệ gen Z sẽ trở nên nhẹ nhàng, dễ chịu hơn đối với các nhà quản lý và chính bản thân nhân viên.
Cần những quyền tự do nhất định
Những người thuộc thế hệ này luôn xem trọng sự riêng tư. Trong một môi trường công sở, họ cần không gian riêng để có thể suy nghĩ về các ý tưởng, tạo cảm hứng, động lực thậm chí là thư giãn. Nên xây dựng một số không gian nhỏ, tách biệt khỏi môi trường làm việc chung, tạo điều kiện cho những nhân viên này phát huy hết khả năng của mình. Đừng cho họ cảm giác bị kiểm soát và quản lý, hãy thu phục nhân viên để họ tự giác làm việc.
Quan tâm đến chế độ, quyền lợi
Gen Z là những người thường cảm thấy khó khăn khi phải làm việc theo mô típ “giờ hành chính” thông thường, nhưng lại sẵn sàng ở lại làm thêm giờ để phát triển các ý tưởng, tham gia vào những dự án đòi hỏi tính sáng tạo và thử thách cao. Việc nhận được những khoản trợ cấp sẽ giống như cách mà người quản lý ghi nhận công sức, khả năng ở những người đang trên đà chứng tỏ bản thân như họ.
Không những vậy, người trẻ thuộc thế hệ này còn đặc biệt quan tâm tới sự phát triển của bản thân trên con đường sự nghiệp. Thay vì ép họ làm việc theo chuẩn mực 8 tiếng mỗi ngày, hãy luôn động viên, khích lệ họ và lên chương trình đào tạo chuyên môn cho từng cá nhân.
Sẵn sàng nhảy việc
Thế hệ Z là những người có xu hướng nhảy việc sau khoảng một hoặc vài năm. Sau một thời gian học việc, được đào tạo, tham gia các dự án , thu thập những kiến thức nhất định, đến thời điểm chín muồi, học sẽ “dứt áo ra đi” để tìm kiếm cơ hội mới. Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp của bạn luôn đặt ra những yêu cầu và thử thách mới, họ sẽ sẵn sàng ở lại và cống hiến hết sức mình. Qua quá trình làm việc và nhận xét, nếu họ thực sự có tài và tham vọng nghề nghiệp, bạn nên đưa họ tham gia vào những hoạt động ảnh hưởng đến tương lai của doanh nghiệp, cho họ một vị trí riêng, các đãi ngộ. Phần thưởng chính là cách tốt nhất để bạn khơi gợi nhiệt huyết tuổi trẻ nơi họ.
Kết luận
Thế hệ Z (sinh năm 2000 trở đi) đang lớn lên và nhảy vào lực lượng lao động. Họ thậm chí còn am hiểu công nghệ và tìm kiếm kỳ vọng cao hơn Millennials. Nhanh nhẹn, thông minh và thích ứng nhanh là những ưu điểm của nhân sự thế hệ này, cùng với đó, các nhà quản lý cũng cần thay đổi cách thức quản lý đối với họ. Hy vọng với những gợi ý trên đây, doanh nghiệp của bạn đã có thêm ý tưởng mới cho công tác quản lý và phát triển nhân sự cho mình.