Chuyên mục
Gamification Khác

Vì sao học qua chơi game trở thành xu thế đào tạo trong thời đại 4.0?

Trong bối cảnh cách giảng dạy truyền thống chưa đủ để đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực thời đại số, có không ít phương pháp học tập mới ra đời. Trong đó, học qua game, áp dụng gamification vào nội dung đào tạo đang là xu thế rất được ưa chuộng.
Ngày nay, bên cạnh phương pháp giảng dạy truyền thống, có rất nhiều giải pháp đào tạo học tập mới lạ ra đời nhằm đáp ứng nhu cầu của những cư dân thời đại số 4.0. Điển hình như thế hệ Millennials (những người sinh từ đầu thập niên 1980 đến đầu thập niên 2000), việc học với họ không chỉ đơn thuần là tiếp thu một cách thụ động các kiến thức từ sách vở, lời giảng của giáo viên, mà sự chủ động tham gia và tính liên kết với nội dung học là điều rất quan trọng.
Nhiều nghiên cứu và khảo sát cho biết, học qua chơi game – game based learning (nội dung kiến thức áp dụng gamification – yếu tố game) chính là xu hướng học tập đang ngày càng trở nên phổ biến với tính hiệu quả không thua kém, thậm chí còn có phần “nhỉnh” hơn ở một số góc độ so với phương pháp học và đào tạo truyền thống.

Cách học cũ liệu có còn phù hợp?

Năm 2010, MIT (Viện Công nghệ Massachusetts) công bố kết quả nghiên cứu sau một tuần phân tích hành vi não bộ được thực hiện trên một sinh viên 19 tuổi. Nhóm các nhà khoa học nhận thấy, hoạt động não của sinh viên này khi tham gia một bài giảng trên lớp cũng giống như khi xem tivi: gần như bằng 0.
Khi mô hình giảng dạy trong lớp không còn hiệu quả với hầu hết những người trẻ tuổi, thì việc các xu hướng học tập mới ra đời có lẽ là điều hiển nhiên. Hãy cùng xem xét nhận định này trên phương diện khoa học thần kinh.
Theo ông Jose Ramón Gamo, giám đốc của Viện Thần kinh học thuộc Đại học Rey Juan Carlos (thành phố Madrid, Tây Ban Nha), việc theo dõi hoạt động não bộ của sinh viên trong khi học có thể đem lại nhiều thông tin hữu ích để tìm ra phương pháp học hiệu quả nhất.
Nhóm nghiên cứu của ông Gamo cùng các cộng sự ở Đại học Rey Juan Carlos cho biết, trong các lớp học tiểu học ở Tây Ban Nha, thời gian nói trung bình của giáo viên chiếm tới 50% giờ học. Con số này tăng lên 60% đối với trung học cơ sở, và gần 80% ở cấp trung học phổ thông. Về mặt khoa học, phương pháp này liệu có hợp lý hay không? Câu trả lời là không.
Khi học những điều mới, con người sử dụng bán cầu não phải, liên quan đến sự sáng tạo và hình ảnh. Nhưng bán cầu não phải không có chức năng xử lý ngôn ngữ. Điều này có nghĩa là, cho dù giáo viên có nói bao nhiêu đi chăng nữa, thì không phải lúc nào kiến thức cũng “đọng” lại trong đầu học sinh.

Học qua chơi game – phương pháp đã được khoa học chứng minh

Ngoài MIT và nhóm của ông Gamo, nghiên cứu từ hãng phát triển công nghệ Neurok cũng có chung kết luận rằng học qua chơi game là cần thiết để tạo động lực cho người học và đem đến kết quả tốt hơn. Phương pháp luận của việc học qua trò chơi được xây dựng từ việc kết hợp các yếu tố trực quan, video, yếu tố tương tác và kích thích sự hứng thú tham gia của học viên. Tất cả tạo nên một mô hình đào tạo toàn diện, dễ áp dụng và hiệu quả.
Chúng ta học tập tốt nhất bằng cách xem và thực hành, và đặc biệt là học qua chơi. Ví dụ điển hình nhất về lý thuyết này là học thông qua các trò chơi điện tử. Hiện tại, gần 60% dân số đã quen thuộc với video game. Mặt khác, lực lượng lao động của các công ty lớn thế giới trung bình khoảng 30 tuổi, cũng là những người chẳng xa lạ gì với video game. Trong vòng 10 năm tới, Millennials sẽ chiếm tới 75% lực lượng lao động. Đó là lý do tại sao phương pháp đào tạo qua game đã trở thành chiến lược mới của bộ phận nhân sự trong các doanh nghiệp.
Theo nghiên cứu về hiệu quả của game trong học tập vào năm 2011 do Tracy Sitzmann thực hiện, chơi game là cách tốt nhất để học. Nếu so sánh với phương pháp truyền thống, học qua trò chơi có những ưu thế vượt trội, bao gồm:
  • Thúc đẩy tới 20% sự tự tin của học viên
  • Tăng 11% việc hiểu các khái niệm, lý thuyết, nguyên tắc, mô hình…
  • Cải thiện 90% việc ghi nhớ nội dung đã học
  • Nâng cao kiến thức thực tế thêm 20%
  • Tăng khả năng hoàn thành nhiệm vụ lên tới 300%
Trong thực tế, nhiều tổ chức chuyên về đào tạo đã kết hợp gamification với nội dung giảng dạy qua việc ứng dụng các nguyên lý, thành tố trong thiết kế trò chơi và đạt được nhiều kết quả khả quan. Đây hứa hẹn sẽ là một phương pháp đào tạo nhân sự và phát triển nhân tài chất lượng, hiệu quả mà các doanh nghiệp Việt không thể bỏ qua trong thời đại 4.0.